Đồng hồ so chân gập ( còn gọi là đồng hồ đo độ đảo ) là thiết bị đo lường quen thuộc trong gia công, chế tạo cơ khí, máy móc, … Để đảm bảo thiết bị này hoạt động ổn định, chính xác thì công tác hiệu chuẩn định kỳ cho thiết bị này rất quan trọng. Qua bài viết sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu về Quy trình Hiệu chuẩn đồng hồ đo độ đảo | Dial Test Indicator Calibration.
1. Giới thiệu về đồng hồ so chân gập – Đồng hồ đo độ đảo | Dial Test Indicator
Đồng hồ so chân gập ( đồng hồ đo độ đảo ) áp dụng nguyên lý cộng hưởng đòn bẩy để khuếch đại sự di chuyển của đầu đo. Đồng hồ đo độ đảo giúp người dùng xác định độ sai lệch hình dạng, hình học và vị trí của chi tiết như: độ côn, độ song song độ đảo, độ phẳng, độ không đồng trục, vuông góc. Đồng hồ đo độ đảo cũng được sử dụng kèm với thước đo độ cao, chân đế từ, v.v.
2. Hướng dẫn sử dụng đồng hồ đo độ đảo – đồng hồ so chân gập
- Bước 1: Lắp đồng hồ đo độ đảo vào giá đỡ. Sau khi cố định đồng hồ so chân gập vào giá đỡ, giữ thiết bị ổn định. Tránh gây ra rung lắc, làm ảnh hưởng đến hoạt động đo lường. Xoay vòng bezel sao cho kim đồng hồ chính xác ở điểm 0 ( set về 0 ). Bắt đầu tiến hành đo kiểm.
- Bước 2: Bắt đầu quá trình đo đọc kết quả hiển thị trên mặt đồng hồ. Xoay từ từ bộ phận, chi tiết cần đo, con trỏ trên chỉ báo sẽ di chuyển. Qua đó người dùng sẽ biết được những thay đổi/ biến dạng trên bề mặt chi tiết cần đo.
- Bước 3: Tiến hành đo cả hai chiều CW & CCW trên đồng hồ đo độ đảo, lưu ý rằng khi thay đổi chiều đo cần phải set về điểm 0. Ghi nhận kết quả đo, so sánh và lập báo cáo sau khi kết thúc quá trình đo kiểm.
Với mẫu đồng hồ đo độ đảo dạng điện tử thì việc đọc kết quả đo sẽ dễ dàng hơn.
3. Cách bảo quản đồng hồ so chân gập – đồng hồ đo độ đảo
- Cần bảo quản – sử dụng đồng hồ so chân gập trong điều kiện nhiệt độ – độ ẩm phù hợp.
- Không nên sử dụng và bảo quản thiết bị ở nơi có độ ẩm – nhiệt độ cao.
- Sử dụng nhẹ nhàng, tránh gây va đập
- Không ấn tay vào thanh đo, tránh làm thanh đo di chuyển mạnh
- Không tự ý sửa chữa thiết bị nếu xảy ra hư hỏng
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất trước khi sử dụng thiết bị
4. Vì sao nên hiệu chuẩn đồng hồ đo độ đảo?
Bên cạnh các dụng cụ đo lường như panme, thước cặp, đồng hồ so, … thì đồng hồ so chân gập ( đồng hồ đo độ đảo ) được dùng phổ biến. Dụng cụ đo lường này đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đồng hồ đo độ đảo gần như được sử dụng liên tục và đòi hỏi độ chính xác cao. Vì dụng cụ này phải cung cấp cho người dùng các kết quả có độ tin cậy cao. Việc hiệu chuẩn định kỳ sẽ đảm bảo đồng hồ so chân gập hoạt động ổn định, chuẩn xác. Điều này sẽ góp phần đảm bảo chất lượng công việc giám sát chất lượng sản phẩm đạt hiệu quả cao.
5. Quy trình hiệu chuẩn đồng hồ đo độ đảo
Quy trình hiệu chuẩn đồng hồ đo độ đảo ( đồng hồ so chân gập ) được tiến hành theo các bước như sau:
5.1 Phương tiện hiệu chuẩn đồng hồ đo độ đảo
Các phương tiện được sử dụng cho quá trình hiệu chuẩn gồm:
– Thiết bị cần kiểm: Đồng hồ so chân gập ( đồng hồ đo độ đảo )
– Thiết bị chuẩn: UDT-3 Calibration Tester
5.2 Điều kiện môi trường hiệu chuẩn đồng hồ đo độ đảo
Trước khi tiến hành hiệu chuẩn, cần đảm bảo tuân thủ chính xác các điều kiện sau:
- Nhiệt độ, độ ẩm nơi hiệu chuẩn đảm bảo điều kiện sau:
+ Nhiệt độ: 18~22ºC.
+ Độ ẩm: 40~70%RH.
5.3 Lắp đặt, điều chỉnh vị trí đo
Trước khi tiến hành quy trình hiệu chuẩn, cần lắp đặt và điều chỉnh vị trị đo cho đồng hồ so chân gập ( đồng hồ đo độ đảo )
- Lựa chọn chuẩn phù hợp UDT-3 cho từng loại đồng hồ so chân gập.
- Gá đồng hồ so vào vị trí kiểm tra vào thiết bị chuẩn.
- Đối với đồng hồ chân gập thì điều chỉnh cho góc giữa mũi đo với mặt ngang đầu tịnh tiến trên UDT-3 không quá 10o.
- Điều chỉnh đầu đo đồng hồ so tiếp xúc với đầu tịnh tiến của thiết bị chuẩn, sao cho đồng hồ so đọc được khoảng 5-10 bước nhảy / vạch chia.
- Cài điểm không (zero) trên đồng hồ so.
5.4 Tiến hành hiệu chuẩn đồng hồ so chân gập
Quá trình hiệu chuẩn đồng hồ đo độ đảo ( đồng hồ so chân gập ) sẽ được diễn ra theo các bước như sau:
- Các điểm kiểm tra được thực hiện ở 20, 40, 60, 80, 100% dải đo của đồng hồ so, hoặc theo yêu cầu của khách hàng.
- Xoay bánh xe cho đầu tịnh tiến đi lên, đến khi giá trị đọc trên đồng hồ so đạt điểm kiểm tra đầu tiên. Ghi nhận giá trị đọc trên UDT-3 và so sánh. Trả về 0 và lặp lại thao tác đo 5 lần, ghi nhận kết quả trung bình.
- Thực hiện tương tự cho các điểm kiểm tra còn lại.
5.5 Kết thúc quá trình hiệu chuẩn
Sau khi quá trình hiệu chuẩn hoàn tất, trả đầu đo lại về 0, tháo thiết bị đo ra khỏi chuẩn kiểm tra, bảo quản tất cả thiết bị.
Xem thêm về quy trình Hiệu chuẩn đồng hồ so